Phở Đường Tàu là một trong những địa chỉ ăn uống được nhiều người biết đến ở Hà Nội hàng chục năm nay. Quán mở bán từ 6h đến 2h hôm sau nên thường phục vụ khách ăn đêm.
Mặt bằng quán khoảng 20 m2,ởĐườngTànhà xe tâm hạnh ban ngày xếp được 7-8 bộ bàn ghế. Vào thời điểm đông khách nhất từ 22h đến 2h, quán sẽ bổ sung khoảng 10 bộ bàn ghế tại các khu vực xung quanh. Lượng khách tối đa cùng lúc vào khung giờ này có thể lên đến gần 80 người.
Việc kinh doanh mỗi ngày được chia thành ba ca. Quán có ba người bán gồm bà Kim Oanh (58 tuổi, Nam Định), bà Kim Cúc, chị ruột bà Oanh và một người chị dâu của hai bà. Trung bình mỗi ngày, quán bán được khoảng 400-500 bát. Bà Oanh cho biết hằng ngày bà và mọi người vừa bán phở vừa chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau.
Quán được ông nội bà Oanh mở để bán phở Nam Định phục vụ những người đi tàu Bắc - Nam từ đầu những năm 1970, khi mới lên Hà Nội, sau đó mẹ bà kế nghiệp. Sau khi mẹ mất, hai chị em bà Oanh bắt đầu tiếp quản việc kinh doanh từ năm 1998.
Tên gọi phở Đường Tàu được đặt theo vị trí quán nằm gần đường ray tàu hỏa. Thời điểm đó, khu vực này chưa có những con phố nhộn nhịp ăn uống như phố đường tàu hay Tống Duy Tân ngày nay, hàng quán còn thưa thớt. Quán phở của ông nội bà Oanh là một trong những hàng bán đồ ăn đầu tiên ở đây nên người đến ăn đông, thường phải xếp hàng, bà Oanh cho hay. Về sau, nhiều hàng quán xung quanh mọc lên rồi đóng cửa, nhưng phở Đường Tàu vẫn duy trì.
Sau 25 năm buôn bán, bà Oanh cho biết không gian quán gần như không thay đổi, chỉ thay bàn ghế gỗ từ xưa thành bàn ghế nhựa để thuận tiện hơn cho việc phục vụ. Khách đến ăn đủ mọi lứa tuổi, từ những người trung niên đến giới trẻ. Cả khách du lịch từ các vùng miền khác hay khách ngoại quốc cũng ghé thưởng thức món phở gia truyền Nam Định này.
Thực đơn quán có đủ các món truyền thống như phở tái chín, tái nạm, gầu, sốt vang, giá quanh mức 50.000 đồng một bát. Một số món ăn kèm là trứng chần, quẩy.
Làm nên hương vị của món phở gia truyền này chính là nồi nước dùng được hầm hoàn toàn từ xương bò trong suốt một ngày. Vì vậy, nước phở có vị ngọt thanh nhẹ, trong, quyện với mùi thơm của hành lá, hấp dẫn thực khách từ sáng đến đêm. Mùi thơm của phở gây chú ý cho cả một góc phố.
Với phở tái gầu hoặc tái chín, thịt bò được thái lát mỏng. Khi khách gọi món, người bán chỉ cần chần qua nước dùng nóng. Còn phở bò sốt vang cầu kỳ hơn. Thịt bò được cắt thành từng miếng vuông khoảng 2 cm, nêm mắm muối và dầu hạt gấc rồi cho vào nồi nấu khoảng 2-3 tiếng, đến khi từng miếng thịt thấm vị, chuyển màu đỏ cam.
Phở là món có thể ăn bất cứ lúc nào. Nhưng với phở bò Đường Tàu, một trong những quán ăn bình dân lâu đời nhất ở thủ đô, thời điểm thích hợp để thưởng thức là vào buổi tối muộn hoặc sáng sớm. Khoảng 23h30 mỗi ngày, tàu hỏa chạy qua đường ray về ga Hà Nội. Vừa ăn phở vừa nhìn tàu chạy, nghe tiếng còi tàu là một trải nghiệm thích thú với nhiều người, cũng là một nét đặc biệt của quán phở Đường Tàu.
Vũ Thị Quỳnh Chi (28 tuổi, Hải Phòng) là một khách quen của quán khoảng 5 năm, do một người bạn sống ở Hà Nội giới thiệu. Thường cùng bạn bè qua đây để ăn nếu có việc về muộn, Chi thích nhất là phở bò sốt vang vì thịt bò thơm và mềm, có màu đẹp mắt, nước phở đậm đà vừa phải. "Lần đầu tiên đến, đang ăn thì thấy tàu hỏa chạy qua, hơi bất ngờ nhưng thấy rất vui", Chi nói.
Phở Đường Tàu còn là ký ức, với miếng thịt lớn và túm hành treo ngay trước quán. Ông Nguyễn Văn Sáng (58 tuổi, Hà Nội), người dân sống gần đường tàu, thường ghé quán ăn sáng nhiều năm qua. Ông cho hay bao năm nay bát phở hầu như không đổi vị.
Khách đến quán ăn có thể để xe ngay phía trước cửa, nhưng không có người trông. Trong quán có menu niêm yết giá. Nếu đến vào buổi đêm, quán sẽ xếp bàn ra phía trước. Hạn chế ở đây là gần một số thùng rác, nên vệ sinh chưa được đảm bảo.
Quỳnh Mai